Bài Viết 13: NỖ LỰC VÌ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Tác Giả: Huỳnh Công Sơn – TP Hồ Chí Minh

Sinh ra trong một gia đình mà cả bố mẹ đều là quân nhân, tuổi thơ của tôi cũng vất vả như bao đứa trẻ khác. Năm 4 tuổi, tôi bị một trận sốt nặng. Dù thương con, nhưng do không có điều kiện chạy chữa vì đơn vị đang đóng quân trong rừng sâu ở đất bạn Campuchia, cha mẹ đành bất lực nhìn đứa con thân yêu bị cướp đi khả năng vận động của đôi chân. Những ngày đến trường, nhìn bạn bè tung tăng nô đùa và chơi các môn thể thao, tôi thèm lắm và tự đặt ra các “chỉ tiêu” phấn đấu. Hiểu được khó khăn của mình, tôi âm thầm tự tập một mình. Nhiều lần, do quá ham mê, tôi bị té ngã, thân thể sưng vù đau đớn. Khó khăn là thế, nhưng không ngăn nổi quyết tâm của anh. Dần dần, tôi có thể chơi được bóng bàn, cầu lông, bơi lội, sau này thì môn quần vợt xe lăn, bóng rổ xe lăn…. Kết thúc 12 năm học, tôi quyết định chọn cho mình nghề chế tác đá quý để phù hợp với điều kiện sức khỏe.

Năm 1994, nhờ thành tích thi đấu tại các giải thể thao trong nước, tôi được chọn vào đội tuyển tham dự Giải Thể thao người khuyết tật mở rộng tại Singapore. Nhìn người khuyết tật nước bạn vui chơi và làm việc trong một tổ chức, tôi nảy sinh ý tưởng vận động, tập hợp những người khuyết tật để vui chơi, chia sẻ vui buồn, động viên nhau cống hiến công sức, tài trí cho đất nước. Trở lại quê nhà, tôi tổ chức chuyến du khảo Vũng Tàu bằng xe lăn. Nhiều người khuyết tật khi được mời đã từ chối vì lo ngại không đủ sức khỏe và an toàn trên đường đi. Hiểu được nỗi lo của bạn, tôi gặp từng người trình bày chi tiết kế hoạch chuyến đi và động viên họ. “Nài nỉ” mãi cũng có 7 người đồng ý tham gia. Sau chuyến đi này, nhiều người đã đến đăng ký sinh hoạt. Từ thành công đó, tôi tiếp tục tổ chức các chuyến du khảo Phan Thiết, 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng xe lăn. Tiếng lành đồn xa, người khuyết tật đến tham gia ngày càng đông, và tôi trở thành Chủ tịch của Hội Thanh niên khuyết tật TPHCM từ 1995 đến 2005.

Hiện nay dù đã 54 tuổi, đảm nhiệm công việc phụ trách bộ môn bắn cung (của cả người bình thường và người khuyết tật) tại Trung tâm Thể dục thể thao quận Gò Vấp và cũng là người xây dựng bộ môn quần vợt xe lăn tại TPHCM suốt 25 năm qua với mục tiêu duy nhất là mong muốn xã hội “Hãy nhìn vào khả năng của người khuyết tật, chứ đừng nhìn vào sự khiếm khuyết tật của họ”. Hy vọng với tất cả sự nỗ lực của mình, tôi mong người khuyết tật hãy luôn cố gắng và mạnh dạng tham gia vào các hoạt động của xã hội, cũng như cộng đồng người khuyết tật để góp phần làm thay đổi cách nhìn của toàn xã hội về người khuyết tật.

Ảnh: Nhân vật cung cấp @Huynh Cong Son
#lạc_quan_vượt_khó_cuộc_sống_đẹp_tươi

#karmamobilityvietnam

#karma #xelănkarma #Minigame

Contact Me on Zalo